Thể lệ cuộc thi
1. Tên gọi:
Cuộc thi Trình diễn pháo hoa trên máy tính 2017 – DIFF E-Fireworks Contest 2017.
2. Chủ đề:
Toả sáng sông Hàn.
3. Đối tượng tham gia:
a) Cá nhân, nhóm cá nhân người Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc trong và ngoài nước.
b) Tổ chức người Việt Nam hoạt động hợp pháp trong và ngoài nước.
c) Cá nhân, tổ chức người nước ngoài đang sinh sống, hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
4. Hồ sơ dự thi:
a) Thành phần hồ sơ:
– Phiếu đăng ký dự thi (theo mẫu Phụ lục 1).;
– Bản cam kết quyền sở hữu trí tuệ (theo mẫu Phụ lục 2).;
– Sản phẩm dự thi;
– Tài liệu kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng và các tài liệu phục vụ quá trình xây dựng sản phẩm (nếu có) (theo mẫu Phụ lục 3).
b) Nơi đăng tải mẫu hồ sơ
Các biểu mẫu của hồ sơ dự thi được đăng tải trên Website chính thức của cuộc thi.
5. Sản phẩm dự thi:
a) Sản phẩm dự thi: là màn trình diễn pháo hoa được mô hình hóa và trình diễn trên máy tính, lấy bối cảnh dòng Sông Hàn với các cây cầu trong không gian về đêm trên nền nhạc không lời hoặc có lời.
b) Sản phẩm dự thi được xây dựng dưới 2 loại hình sau:
– Loại 1: Lập trình phần mềm trình diễn pháo hoa: Tác giả tự phát triển phần mềm bằng các ngôn ngữ lập trình như: C/C++, C#, Java, JavaScript,… để xây dựng bộ thư viện phần mềm có thể tạo ra các loại pháo hoa với các tùy biến khác nhau. Từ đó, tác giả tích hợp, xây dựng kịch bản để tạo ra màn trình diễn pháo hoa trên máy tính chạy các hệ điều hành Windows, Linux, Android, Mac …
– Loại 2: Dàn dựng kịch bản trình diễn pháo hoa: Tác giả sử dụng các công cụ phần mềm có sẵn như: AfterGlow, Finale FireWorks, FWSim, ShowSim, Photoshop, Corel, Adobe AfterEffect, Flash,… hoặc các phần mềm kỹ xảo điện ảnh để dàn dựng, xử lý, biên tập các hình ảnh, âm thanh, ánh sáng, chuyển động, màu sắc,… tạo ra màn trình diễn pháo hoa trên máy tính chạy các hệ điều hành Windows, Linux, Android, Mac,…
c) Sản phẩm là màn trình diễn dài từ 3 đến 5 phút với quy chuẩn video như sau:
– H.264 video với âm thanh AAC ở định dạng MP4.
– Độ phân giải nên dùng: 1920 x 1080 (FullHD)
– Tốc độ khung hình 25fps (Pal) hoặc 30fps(NTSC)
– Tần số âm thanh dao động trong khoảng 44,100hz
6. Phương thức dự thi:
a) Đăng ký dự thi
Tác giả hoặc nhóm tác giả (viết chung là tác giả) dự thi có thể đăng ký tham gia dự thi bằng cách đăng ký trực tuyến qua Website chính thức của cuộc thi và làm theo hướng dẫn
b) Xác nhận đăng ký dự thi
Sau khi đăng ký dự thi, mỗi tác giả được Ban tổ chức liên hệ xác nhận thông tin và kích hoạt tài khoản. Tác giả sử dụng tài khoản này để nộp hồ sơ dự thi, sản phẩm dự thi, và cập nhật, trao đổi các thông tin liên quan.
c) Nộp sản phẩm dự thi
Đến thời điểm nộp sản phẩm dự thi, toàn bộ hồ sơ dự thi được gửi đến Ban tổ chức bằng một trong các phương thức sau:
– Tác giả tự đăng nhập vào tài khoản của mình trên Website chính thức của cuộc thi, tải lên các tập tin sản phẩm dự thi và bản mềm (bản scan dạng PDF) các hồ sơ, tài liệu kèm theo;
– Tác giả đóng gói toàn bộ sản phẩm dự thi và bản mềm (bản scan định dạng PDF) các hồ sơ, tài liệu kèm theo thành các tập tin rồi gửi đính kèm đến địa chỉ e-mail của Ban tổ chức với tiêu đề (Subject) “Sản phẩm dự thi Cuộc thi Trình diễn pháo hoa trên máy tính năm 2017”;
– Sản phẩm dự thi được tác giả ghi vào đĩa CD/DVD và đóng gói cùng với bản in các hồ sơ, tài liệu kèm theo vào túi hồ sơ có ghi tiêu đề bên ngoài là “Sản phẩm dự thi Cuộc thi Trình diễn pháo hoa trên máy tính năm 2017” sau đó gửi trực tiếp hoặc chuyển qua đường bưu điện đến địa chỉ của Ban tổ chức với nội dung “Bài dự thi Cuộc thi Trình diễn pháo hoa trên máy tính Đà Nẵng 2017”.
d) Địa chỉ liên lạc của Ban Tổ chức:
Ban Marketing và Quảng cáo, Tập đoàn Sun Group
Tầng 13, Tòa nhà Sun City, Số 13 Hai Bà Trưng, Quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội.
Số điện thoại: +84 4 3938 6569
E-mail: efireworks@www.diff.vn
7. Thời gian chương trình tổ chức:
a) Phát động cuộc thi: Ngày 15/12/2016.
b) Vòng sơ khảo
– Đăng ký dự thi và nộp sản phẩm: Từ ngày 15/12/2016 đến hết ngày 28/04/2017.
– Đăng tải bài thi lên hệ thống website, fanpage của chương trình để tiến hành bình chọn: chậm nhất hai ngày kể từ khi BTC xác nhận bài thi hợp lệ
c) Vòng chung khảo
– Lựa chọn và công bố tối đa 30 bài thi có điểm bình chọn của khán giả cao nhất vào vòng chung khảo: 25/05/2017
d) Công bố giải thưởng: dự kiến 15/06/2017
8. Bản quyền và quyền sở hữu trí tuệ sản phẩm dự thi:
a) Tác giả sản phẩm dự thi cam kết tuân thủ đúng các quy định hiện hành về quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm của mình. Trong trường hợp có tranh chấp về bản quyền sở hữu trí tuệ đối với một phần hay toàn bộ sản phẩm dự thi, tác giả hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.
b) Bản quyền sản phẩm dự thi thuộc về đối tượng dự thi. Ban Tổ chức có toàn quyền sử dụng sản phẩm đạt giải cho mục đích truyền thông, quảng bá, hoặc áp dụng vào Cuộc thi trình diễn pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng hoặc trình diễn tại nước ngoài nếu có.
9. Tiêu chí đánh giá, chấm điểm:
a) Các tiêu chí chính
Sản phẩm tham gia dự thi được các hội đồng giám khảo đánh giá, chấm điểm dựa trên bốn (04) tiêu chí chính là: tính hoàn thiện, tính sáng tạo, tính nghệ thuật và tính công nghệ. Trong đó:
– Tính hoàn thiện: Thể hiện được sự hoàn thiện của một sản phẩm công nghệ; thân thiện, dễ sử dụng với người dùng; nội dung sản phẩm bảo đảm tính văn hóa, nhân văn, bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, phù hợp với pháp luật Việt Nam. Sản phẩm được cung cấp kèm theo đầy đủ các hồ sơ, tài liệu liên quan.
– Tính sáng tạo: Thể hiện được sự độc đáo, mới lạ của ý tưởng thiết kế màn trình diễn, của hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, hình ảnh, màu sắc, chuyển động, của quy mô và bối cảnh màn trình diễn. Ý tưởng về pháo hoa phải mang tính thực tế cao.
– Tính thẩm mỹ: Thể hiện được các yếu tố mỹ thuật và âm nhạc; sự phong phú, đa dạng của các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, hình ảnh, màu sắc, chuyển động; sự hài hòa, hợp lý về bố cục; sự tự nhiên sinh động của bối cảnh và không gian; sự phối hợp nhịp nhàng, tinh tế giữa pháo hoa và âm nhạc.
– Tính công nghệ: Thể hiện qua việc ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ mới để xây dựng các sản phẩm có tính khả dụng cao; khả năng làm chủ về kỹ thuật thông qua việc phân tích, thiết kế để lập trình hoặc phát triển ứng dụng, hoặc kế thừa các công cụ phần mềm có sẵn để từ đó biên tập, hiệu chỉnh, dàn dựng thành sản phẩm; các đặc trưng và hiệu ứng pháo hoa được thể hiện trong sản phẩm có khả năng thay đổi, tùy biến cao;hình ảnh của màn trình diễn rõ nét, chất lượng âm thanh trung thực.
b) Chấm điểm sản phẩm dự thi vòng sơ khảo
– Việc chấm điểm các sản phẩm dự thi vòng sơ khảo sẽ do cộng đồng thực hiện với 2 tiêu chí:
Tính sáng tạo: 50%
Tính thẩm mỹ: 50%.
c) Chấm điểm sản phẩm dự thi vòng chung khảo
Ở vòng chung khảo, điểm của sản phẩm được đánh giá qua:
– Điểm chấm của Hội đồng giám khảo với các tiêu chí sau:
Tính hoàn thiện: 20%.
Tính sáng tạo: 20%
Tính thẩm mỹ: 20%.
Tính công nghệ: 40%.
– Điểm chấm của cộng đồng từ vòng sơ khảo
– Tổng điểm đánh giá của vòng chung khảo được tính theo công thức:
Tổng điểm của sản phẩm = Điểm Hội đồng giám khảo * 0,6 + Điểm cộng đồng * 0,4
d) Điểm cộng:
– Hội đồng giám khảo thống nhất cộng thêm điểm trong các trường hợp sản phẩm thể hiện được sự xuất sắc, nổi bật so với những sản phẩm khác.
– Số điểm cộng tối đa không vượt quá 10% tổng tỉ trọng điểm do Hội đồng giám khảo chấm
10. Cơ cấu giải thưởng cuộc thi:
a) Giải nhất: 01 Giải, trị giá: 20.000.000 đồng (Hai mươi triệu đồng).
b) Giải nhì: 01 Giải, trị giá: 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng).
c) Giải ba: 01 Giải, trị giá: 5.000.000 đồng (Năm triệu đồng).
d) Giải thưởng phụ: 02 voucher Fansipan Legend cho mỗi bài thi lọt vào Vòng chung khảo (trị giá 600.000đ/01 voucher)
11. Trách nhiệm của Tác giả:
– Tác giả dự thi chịu trách nhiệm về bản quyền tác phẩm dự thi của mình theo quy định của pháp luật. Ban Tổ chức cuộc thi sẽ hủy bỏ kết quả và thu hồi giải thưởng đối với mẫu thiết kế vi phạm, đồng thời không chịu trách nhiệm khi có xảy ra tranh chấp quyền tác giả của mẫu thiết kế.
– Tác giả được giải thưởng của cuộc thi phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định trong Luật thuế thu nhập cá nhân của Nhà nước.
– Tác giả gửi bài dự thi đồng nghĩa chấp nhận mọi thể lệ của cuộc thi.